Điều kiện tự nhiên

1. Vị trí địa lý

Huyện Hạ Lang là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Cao Bằng, bao gồm 14 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn (8 xã giáp biên) có toạ độ địa lý nằm trong khoảng từ 22034'40’’ đến 22050'09’’ vĩ độ Bắc và từ 106032'06’’ đến 106050'03’’ kinh độ Đông và có địa giới hành chính như sau:

- Phía Đông và Đông Bắc giáp nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa;

- Phía Nam giáp nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa;

- Phía Tây Bắc giáp huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng;

- Phía Tây Nam giáp huyện Quảng Uyên và Phục Hoà, tỉnh Cao Bằng.

Hạ Lang là huyện nghèo, do địa bàn huyện thuộc vùng núi cao hẻo lánh giao thông đi lại khó khăn vì vậy điều kiện kinh tế chưa phát triển, huyện cách trung tâm tỉnh Cao Bằng 75 km về phía Đông Bắc. Theo hướng tỉnh lộ 207, ngoài ra còn có tuyến giao thông kết nối tỉnh lộ 206 từ huyện Trùng Khánh sang và nhiều đường liên xã - huyện, đường cửa khẩu đang được mở mang. Tạo điều kiện cho hàng hóa giao lưu với các huyện, tỉnh và thương thông với bên ngoài.

2. Địa hình, địa mạo

Huyện Hạ Lang là một huyện vùng cao có địa hình phức tạp, xen kẽ giữa các dải núi là những thung lũng tương đối nhỏ hẹp. Vì địa hình huyện Hạ Lang không phân chia thành những vùng rõ rệt. Tỷ lệ núi đá vôi khá lớn gây khó khăn cho việc xây dựng đường giao thông và cơ sở hạ tầng.

3. Khí hậu

Do nằm sát chí tuyến Bắc trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu, nên khí hậu ở huyện Hạ Lang mang tính chất của khí hậu nhiệt đới gió mùa, trong năm có 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa:

          - Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm; mùa này nóng ẩm, mưa nhiều, thường có gió xoáy, mưa đá, lũ quét.

          - Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ thấp, ít mưa, bị ảnh hưởng bởi gió mùa Đông bắc.

          Nền nhiệt của vùng khá phong phú, theo số liệu đo tại Cao Bằng nhiệt độ trung bình năm là 21,60C. Nhiệt độ tối cao trung bình là 26,60C, nhiệt độ tối thấp trung bình là 18,20C.

          Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.400 - 1.600 mm, số ngày mưa trong năm là 128,3 ngày, từ tháng 11- 4 rất ít mưa, lượng mưa từ 20 - 30 mm/tháng, trong khi đó lượng bốc hơi trong những tháng này rất lớn gây nên khô hạn gay gắt.

Với đặc điểm khí hậu như trên, cho phép phát triển đa dạng cây trồng và gieo cấy nhiều vụ trong năm. Song khô hạn, gió xoáy, lũ quét… là những rủi ro trong sản xuất của huyện.

4. Các nguồn tài nguyên và thực trạng môi trường.

4.1. Tài nguyên đất

Kết quả tổng hợp từ bản đồ thổ nhưỡng cho thấy, huyện Hạ Lang có các loại đất chính như sau:

          - Đất phù sa ngòi suối (Py): Có diện tích 59,40 ha, chiếm 0,13% diện tích đất tự nhiên, được phân bố ở các xã Thái Đức, Thắng Lợi.

          - Đất nâu đỏ trên đá Macma Bazơ (Fk): Có diện tích 943,70 ha, chiếm 2,06% diện tích đất tự nhiên, được phân bố ở các xã: Minh Long, Lý Quốc.

          - Đất nâu đỏ trên đá vôi (Fv): Có diện tích 93,7 ha, chiếm 0,21% diện tích đất tự nhiên, được phân bố ở xã Thị Hoa.

          - Đất nâu vàng trên đá vôi: Có diện tích 2.002 ha, chiếm 4,38% diện tích đất tự nhiên. Đất này được phân bố ở tất cả các xã trong huyện.

          - Đất đỏ vàng trên đá sét (Fs): Có diện tích 18.310 ha, chiếm 40,08% diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các xã: Thị Hoa, Thái Đức, Cô Ngân, Vinh Quý, An Lạc, Kim Loan, Đức Quang, Việt Chu, Quang Long, Thắng Lợi, Đồng Loan, Minh Long.

          - Đất vàng nhạt trên đá cát (Fq): Có diện tích 4.336 ha, chiếm 9,49 %  diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các xã: Thị Hoa, Cô Ngân, Thái Đức, Việt Chu, Quang Long, Kim Loan, Đức Quang, Thắng Lợi, Minh Long, Lý Quốc

          - Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa (Lf): Có diện tích 910,30 ha, chiếm 1,99 % diện tích đất tự nhiên, phân bố  ở các xã: Vinh Quý, thị trấn Thanh Nhật, Kim Loan, Đức Quang, Thắng Lợi, Đồng Loan, Minh Long, Lý Quốc.

          - Đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ (D): Có diện tích 806,70 ha, chiếm 1,77% diện tích đất tự nhiên, được phân bố ở các xã: Thị Hoa, Cô Ngân, Vinh Quý, Việt Chu, Quang Long, An Lạc, Kim Loan, Đức Quang, Thắng Lợi, Minh Long.

          - Đất cacsbonat (V): Có diện tích 990,50 ha, chiếm 2,17% diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các xã: Thị Hoa, Thái Đức, Vinh Quý, An Lạc, Thắng Lợi, Quang Long, Đồng Loan, Minh Long, Lý Quốc.

          - Đất xói mòn trơ sỏi đá (E): Có diện tích 208,2 ha, chiếm 0,48% diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các xã Minh Long, Lý Quốc.

          - Núi đá vôi (Dv): Có diện tích 17.577,30 ha, chiếm 38,48% diện tích đất tự nhiên.

4.2. Thủy văn

Huyện Hạ Lang có sông Bắc Vọng chảy từ huyện Trùng Khánh sang, với chiều dài khoảng 10 km, sông Quây Sơn chảy dọc theo biên giới Việt - Trung với chiều dài khoảng 12 km đó là tiềm năng nước ngọt rất thuận lợi cho huyện nhưng khả năng khai thác 2 con sông này còn rất hạn chế. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có hệ thống suối nhỏ phân bố khá đều trên địa bàn huyện và một số hồ chứa như hồ Khưa Sâu, hồ Thôm Rảo, với nguồn tài nguyên này có thể phát triển thêm về nuôi trồng thuỷ sản.

          Vì hệ thống sông suối của huyện có chế độ nước hai mùa rõ rệt, lưu lượng phụ thuộc vào chế độ mưa, nên trong mùa mưa lưu lượng lớn đủ nước cung cấp cho sản xuất, đời sống cư dân; song mùa khô sông suối thường cạn, khai thác hạn chế.

4.3. Tài nguyên rừng

Huyện có thảm thực vật rừng đa dạng, phong phú, song nhìn chung thảm thực vật ở đây đã chịu sự tác động của con người, không còn rừng nguyên sinh và chủ yếu là rừng nghèo. Trong những năm gần đây, thảm thực vật rừng ở Hạ Lang đang được tái sinh nhanh, nhờ công tác khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng.

4.4. Tài nguyên khoáng sản

Theo tài liệu, số liệu do Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng cung cấp, trên địa bàn Hạ Lang hiện tại có hai loại khoáng sản chính là quặng Mangan và đá vôi.

- Lượng quặng Mangan ở Hạ Lang không nhiều, hiện nay chỉ có 03 điểm mỏ Sộc Quân, Sả Lẩu, Lũng Sươn trên địa bàn xã An Lạc và thị trấn Thanh Nhật đang được cấp phép khai thác trên diện tích khoảng 300 ha.

- Đá vôi: Đá vôi sử dụng làm vật liệu ở Hạ Lang khá lớn. Theo Nghị quyết 33/2012/NQ-HĐND ngày 13/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng phê chuẩn Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng có 10 điểm mỏ để khai thác đá đó là:

+ Mỏ đá Bó Cáy – Quang Long;

+ Mỏ đá Pác Sình – Quang Long;

+ Mỏ đá Soọc Mong – Cô Ngân;

+ Mỏ đá Lý Quốc – Lý Quốc;

+ Mỏ đá Lũng Cốc Mí – Đồng Loan;

+ Mỏ đá Pác Kéo – Mũng Nọt, Vinh Quý;

+ Mỏ đá Phài Sỏm – Bản Răng – An Lạc;

+ Mỏ đá Phia Lạ - Thắng Lợi;

+ Mỏ đá Kéo Háu – thị trấn Thanh Nhật;

+ Mỏ đá Kéo Tăm – Việt Chu.

Hiện nay mới có 04 điểm đang được cấp phép khai thác đá hộc và sản xuất bột đá phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn đó là:

+ Mỏ đá Bó Cáy – Quang Long: 1,0 ha;

+ Mỏ đá Lý Quốc – Lý Quốc: 1,0 ha;

+ Mỏ đá Phài Sỏm – Bản Răng – An Lạc: 0,49 ha;

+ Mỏ đá Kéo Háu – thị trấn Thanh Nhật.

4.5. Tài nguyên nhân văn

Hạ Lang là một huyện có điều kiện giao thông đi lại khó khăn, địa hình chủ yếu là đồi núi nên cư dân huyện Hạ Lang sống thành những khu dân cư đông đúc dọc theo các trục giao thông chính và những vùng đất bằng phẳng dọc theo các tuyến đường, sông, suối.

Hiện nay huyện có 13 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn (trong đó có 13 xã và 1 thị trấn), hầu hết các xã của huyện nằm trong diện các xã đặc biệt khó khăn. Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc cùng định cư sinh sống nhưng chủ yếu là người Nùng và người Tày… Người dân Hạ Lang có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất nông nghiệp, mặc dù trình độ lao động còn hạn chế song với đặc tính cần cù và nhạy bén nên trong quá trình lao động có thể tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới áp dụng trong sản xuất.








image advertisement

 image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập